Ngành y dược nửa đầu năm 2018 được đánh giá là có nhiều ý tưởng mới, độc đáo và vẫn thu hút rất nhiều sinh viên nhập học. Cùng tìm hiểu về những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được thời gian qua.
Sự phát triển của mô hình y dược mới
Bên cạnh sự phát triển không ngừng của các mô hình y tế cũ như bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc… thì gần đây, bắt kịp với xu hướng công nghệ 4.0, các mô hình chăm sóc sức khỏe trực tuyến đã ra đời.
Những mô hình online medical này được trang bị công nghệ hiện đại, tiên tiến, kết nối trực tiếp bác sĩ với người bệnh, từ đó giúp tiết kiệm các chi phí trung gian hay thời gian chờ đợi.
Các hệ thống cung cấp dịch vụ y tế thông minh như Basic24x7, HelloBacsi.com, CancerCare.vn hay Vinmec… đã và đang phát triển và nhân rộng ra khắp cả nước.
Ông Will Greene – giám đốc công ty tư vấn y tế TigerMine cho rằng Việt Nam rất có tiềm tăng để phát triển mô hình y dược mới này. Điều quan trọng là chúng ta phải biết cách khắc phục những hạn chế về mặt cơ sở hạ tầng và đầu tư hơn cho nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mô hình bệnh viện trực tuyến tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân
Tốc độ tăng trưởng ngành dược ở mức cao
Theo các trang tin tức nước ngoài đánh giá, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới. Cụ thể, từ năm 2011 đến năm 2016, tổng số tiền chi tiêu cho việc mua thuốc của người Việt tăng tới 12%. Bình quân mỗi người trong năm 2016 tiêu đến 45,8USD/năm cho dược phẩm.
Trong năm 2018 này, dự kiến chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe sẽ tăng đến 12%, đạt khoảng 18 tỷ USD.
Các bộ luật về dược cũng được sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp lớn, tạo điều kiện phát triển ngành sản xuất thuốc nội địa. Nhiều doanh nghiệp đã công bố dự án thu hút đầu tư nước ngoài để tăng chất lượng và số lượng cho sản phẩm dược.
Thị trường thiết bị y tế phát triển ổn định
Ngành y dược phát triển kéo theo sự ổn định của thị trường thiết bị y tế. Có đến 90% thiết bị y tế của Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài và giá trị của những thiết bị này được dự báo chạm mốc 1 tỷ USD trong năm 2018.
Nguồn nhập khẩu chủ yếu từ các nước có nền y tế phát triển như Nhật Bản, Đức, Mỹ, Singapore, với các sản phẩm chính là máy chụp CT, máy cộng hưởng từ, thiết bị siêu âm…
Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế trong nước cũng đã có những bước tiến mới và sự tăng trưởng đều đặn hơn. Nhờ đó, Việt Nam đã tự cung ứng được các hệ thống làm lạnh, dây chuyền sản xuất dược phẩm, giường bệnh, ống nghiệm, bông băng…
Ngành dược và thị trường thiết bị y tế đều phát triển mạnh mẽ
Nhu cầu về nguồn nhân lực ngành y dược
Ngành y dược vẫn luôn là một ngành nghề hot, được nhiều học sinh chọn lựa và quyết tâm theo đuổi. Những năm gần đây, tỉ lệ thí sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng y dược ngày càng tăng. Thậm chí có trường hợp thí sinh đạt 29 điểm cả 3 môn xét tuyển nhưng vẫn trượt Đại học Y.
Theo dự báo, tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu nhân lực ngành y dược trầm trọng. Bởi theo Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Y tế thì dù lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp các trường y dược rất nhiều, nhưng đồng thời số lượng, quy mô các bệnh viện lại không ngừng gia tăng. Do đó, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của ngành y tế.
Tóm lại, ngành y dược nửa đầu năm 2018 đã có những bước khởi sắc nhất định. Và một mùa tuyển sinh nữa lại tới, cánh cửa vào các trường y dược đang rất rộng mở đón chào những thí sinh có năng lực và có tâm với nghề.